Khu di tích đền Hùng Long Bình, Công Viên Lịch Sử Văn Hóa Dân Tộc, một công trình kiến trúc quy mô lớn, được xây cất tại phường Long Bình Quận 9, Sài Gòn và một phần của huyện Dĩ An tỉnh Bình Dương. Với chức năng là một công viên, một điểm tham quan về Lịch Sử Văn Hóa Dân Tộc. Đây được coi là công trình tiêu biểu của khu vực phía Nam là nơi tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam.
Tổng quan về khu di tích đền Hùng Long Bình quận 9
Đền tưởng niệm các Vua Hùng được xây dựng từ năm 2002-2009 theo thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu (Hội Kiến trúc sư TP.HCM). Công Viên có diện tích rộng trên 400ha, chia thành 4 khu nhằm tái hiện toàn bộ lịch sử đất nước từ khởi thủy cho đến nay. Khu Cổ đại rộng 84ha hay còn gọi là Khu tưởng niệm các vua Hùng. Khu tưởng niệm các vua Hùng được xem là nơi trang trọng nhất trong khu vực, với quy hoạch 3 bậc bao gồm:
- Bậc 1 thờ Quốc tổ Hùng Vương
- Bậc 2 thờ Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ
- Bậc còn lại là các hoa văn, họa tiết về văn hóa Đông Sơn.
Khu tưởng niệm các vua Hùng là công trình lịch sử văn hóa đầu tiên trong Công viên Lịch sử-Văn hóa dân tộc khánh thành năm 2009. Khu đền Hùng được cho là biểu trưng nền văn hiến Việt Nam của thời đại ngày nay. Và công viên đã xây dựng hoàn tất công trình trung tâm của khu cổ đại là đền tưởng niệm các vua Hùng hoành tráng, với biểu tượng Chim Lạc vươn cánh bay về phương Bắc thấm đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
- Khu Trung đại rộng 29ha, là khu thể hiện các sự kiện lịch sử từ thời Đinh đến thời Tây Sơn.
- Khu Cận-Hiện đại rộng 35ha, tái hiện thời kỳ nhà Nguyễn, thời kỳ đấu tranh giành độc lập qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ ở Việt Nam.
- Khu sinh hoạt văn hóa với những phức hợp như khu làng văn hóa dân tộc và Khu bảo tàng lịch sử tự nhiên.
Chiêm ngưỡng quy mô đền Hùng Long Bình
Đầu tiên là Nghi môn, sau là Đền tưởng niệm làm bằng đá bề thế, cao 8 m, có kiến trúc mang phong cách hiện đại kết hợp truyền thống. Dẫn lên đền là Đường tre dài 360 m, được xây dựng ôm theo triền dốc của quả đồi. Đường lên nhiều đoạn được thiết kế tổng cộng có 107 bậc thang bằng đá.
Đây là một quần thể công trình đặc sắc, có giá trị cao về cảnh quan, kiến trúc và ý nghĩa xã hội với 4 phần chính là: Quảng trường, Đường tre, Đền thờ và Sân vọng. Các hạng mục kết nối hợp lý và khéo léo như đưa người tham quan vào một hành trình hành hương hướng về cội nguồn.
Điểm nổi bật của đoạn đường lên đền là hai hàng tre xanh um tùm tỏa bóng hai bên. Không gian “Đường tre” gợi nhắc hình ảnh của làng quê Việt. Giữa Đường tre là nhà bia tưởng niệm, bên trong đặt bia đá khắc nội dung tóm tắt về hào khí lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ. Cuối đường lên là Đền tưởng niệm các Vua Hùng, nằm trên đỉnh đồi. Công trình có mặt bằng hình vuông, xoay góc 45 độ so với trục chính. Phía trước có một khối sảnh nhô ra với hai cầu thang đi lên ở hai phía với sân lễ, sân hội và sân vọng.
Công trình sử dụng những thành phần công năng kiến trúc khác nhau để hợp thành quần thể không gian tưởng niệm với ngôn ngữ kiến trúc hiện đại, trời đất giao hòa.
Tầng thượng khu đền là Sân vọng, được bài trí như một khu vườn với 54 cột đá tượng trưng cho 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam. Trong đền có một khoảng sân được gọi là “Âm bản trống đồng”, là phần “âm” tròn của khối vuông, tượng trưng cho trời và đất. Giữa sân là một tiểu đình hai lớp mái.
Trong tiểu đình đặt phiên bản trống đồng Hoàng Hạ (Hòa Bình), có niên đại cách ngày nay khoảng 2.000-2.500 năm. Ban thờ chính của đền là nơi thờ Quốc tổ Hùng Vương, phối thờ với Tổ phụ Lạc Long Quân, Tổ mẫu Âu Cơ, Đất và Nước. Hai bên là 8 gian thờ Lạc Hầu, Lạc Tướng, Lạc Dân, Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương, An Dương Vương, Trưng Nữ Vương…
Hai bên bàn thờ Quốc tổ Hùng Vương đặt hai bình gốm chứa “Đất” và “Nước” được lấy từ đất Tổ Phú Thọ. Hai bên đền thờ là dãy hành lang trưng bày bia 33 khối đá chủ quyền quần đảo Trường Sa do Bộ Tư lệnh hải quân trao tặng. Trên mặt tường bên trong đền vẽ các bức tranh mô tả lại cuộc sống của những cư dân trong buổi đầu dựng nước.
Năm 2012, UNESCO đã công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam là Di sản phi vật thể của nhân loại. Cũng trong năm 2012, Hội đồng giải thưởng Văn học – nghệ thuật TP.HCM đã trao giải thưởng đặc biệt cho công trình “Đền tưởng niệm các Vua Hùng”. Trước đó, công trình cũng nhận giải nhì Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia năm 2010.
Vào Giỗ Tổ Hùng Vương nếu bạn ở thành phố Hồ Chí Minh thì vẫn có thể một lòng hướng về đất tổ bằng cách thăm viếng tại đền Hùng Long Bình tại quận 9. Lưu lại địa chỉ và cùng bạn bè, gia đình thường xuyên đến tham quan và dâng hương nơi đây nhé.